Tâm sự người thầy về nạn bạo lực học đường.

Tâm sự: Trong những thập kỷ gần đây, bạo lực học đường được coi là một trong những vấn đề vô cùng nhức nhối của xã hội. Phòng chống bạo lực học đường trước hết phải bắt đầu từ việc giáo dục đạo đức trong trường học. Vậy đâu là nguyên nhân, và giải pháp như thế nào để ngăn chặn nạn bạo lực đang xâm nhập học đường?

Tâm sự người thầy về nạn bạo lực học đường.

Tâm sự người thầy về nạn bạo lực học đường.

Nguyên nhân chủ yếu của bạo lực học đường

Bạo lực là lời nói, hành vi xâm hại đến tinh thần, sức khoẻ và tính mạng của người khác. Bạo lực xảy ra trong môi trường giáo dục được gọi là bạo lực học đường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, nhưng chủ yếu bởi 3 môi trường liên quan đến giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội.

1. Gia đình là tế bào cuả xã hội, là cái nôi để các em hình thành nhân cách.

Chẳng thế mà các cụ ta xưa có câu “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh” để chỉ những đức tính mang tính truyền thống tốt, hoặc “rau nào sâu ấy” để nói những tính cách xấu. Thời buổi kinh tế thị trừơng ngày nay, từ nhỏ, nhiều em đã thiếu hẳn tiếng ru ngọt ngào vì bây giờ, rất ít những người mẹ trẻ biết hát ru, và ít có thời gian hát ru con ngủ. Những câu chuyện cổ tích mang đậm tính nhân văn và lòng nhân hậu, càng không mấy khi các em được nghe nữa, mà thay vào đó là những câu chuyện kể doạ “ma” để các em sợ mà ngủ… dẫn đến những giấc mơ kinh dị cuả trẻ.

Chắc rằng không cha mẹ nào lại muốn cho con mình trở thành những đứa trẻ hư, nhưng với nhận thức và cách giáo dục cuả từng gia đình, thì tính cách của các em bị ảnh hưởng rất lớn. Một số bậc cha mẹ do quá mải mê kiếm tiền mà thiếu đi sự quan tâm hỏi han con với tư cách như một người bạn, dẫn đến trẻ em bị thiếu đi nguồn chia sẻ tâm tình thủ thỉ hàng ngày.

Tâm sự người thầy về nạn bạo lực học đường.

Các thành viên trong gia đình ( theo thói quen) có thể xưng hô chưa chuẩn

 

Mặt khác, trong mỗi gia đình, không phải ai cũng có những cách ứng xử đẹp với nhau. Các thành viên trong gia đình ( theo thói quen) có thể xưng hô chưa chuẩn. Bố mẹ vẫn xưng hô “mày tao” với con, thậm chí có những gia đình, con cái còn cãi hỗn, văng tục, chưỉ thề trước mặt cha mẹ. Chính từ những ứng xử cuả các thành viên trong gia đình như vậy, các em đã chứng kiến hàng ngày, lâu dần thành thói quen xấu.

Ngoài ra, cơ chế thị trừơng đã len lỏi vào tận sâu thẳm ngóc ngách tâm hồn của một số người. Họ coi đồng tiền trên mọi giá trị đạo đức. Nhiều những chuyện như tranh giành đất đai, cãi nhau, đánh chửi nhau trong gia đình. Hoặc người lớn đối xử với người già, với ông bà, cha mẹ thiếu lễ độ – thậm chí còn ngược đãi – khiến các em hàng ngày chứng kiến, như một cuốn phim tua đi tua lại, ăn sâu vào đầu óc non nớt cuả mình. Những kiểu gọi người già như “ông bô, bà bô” “cụ khốt”, thậm chí “mụ già”, “lão già”, “con già”, “thằng già”… và cách ứng xử coi người già là gánh nặng đã gieo vào tâm hồn các em những hành vi thiếu thân thiện, thậm chí dửng dưng. Gia đình không còn là pháo đài vững chắc giúp các em chống lại những hành vi xấu từ bên ngoài xã hội nữa. Chính từ cách xưng hô thiếu thân thiện ấy mà những học sinh cá biệt thường rơi vào các em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt éo le (bố mẹ bỏ nhau, gia đình thiếu nề nếp…).

Bên cạnh đó, người lớn trong nhà chưa chú ý trong các câu chuyện trứơc mặt con trẻ. Có nhiều người còn vô tình kể những câu chuyện đã chứng kiến trên báo, đài về các hành vi bạo lực trong gia đình như vợ chồng đánh chửi nhau, con cãi ngược đãi cha mẹ… hoặc những hành vi băng hoại đạo đức khác mà các em vô tình được nghe nhiều lần. Đầu óc non nớt cuả các em dần dần bị tiêm nhiễm phần nào nhữug câu chuyện bạo lực ấy.

2. Ngoài xã hội:

Văn hoá thiếu lành mạnh du nhập tràn lan. Đồ chơi dân tộc như đèn cù, đèn ông sao hiếm dần, thay vào đó là các súng ống, dao kiếm, ô tô, tàu hoả, rô bốt… Truyện tranh là một hệ thống tri thức mà các em dễ được tiếp thu nhất. Nhưng ngày nay, các câu chuyện tranh lịch sử, câu chuyện cổ tích còn khiêm tốn. Vẫn còn nhiều các câu chuyện nước ngoài có các bức minh hoạ kèm theo nhiều từ: “hự” “oái”, “ki – a”, “bốp”… Các trò chơi dân gian như chơi chuyền, nhảy dây, ô ăn quan, nặn pháo đất bị mai một dần, thay thế vào đó là các trò chơi bạo lực như trong các truyện tranh mà các em đã chứng kiến, bằng dao, bằng kiếm, bằng những vũ khí tối tân….

Tâm sự người thầy về nạn bạo lực học đường.

Vẫn còn nhiều các câu chuyện nước ngoài có các bức minh hoạ kèm theo nhiều từ: “hự” “oái”, “ki – a”, “bốp”…

 

Người lớn thì hành xử thiếu văn hoá. Hàng ngày, các em chứng kiến biết bao chuyện “đập vào mắt”: chỉ một va chạm nhỏ không đâu cũng dẫn đến xô xát, bạo lực. Thậm chí có cả những người mẹ (trong mắt các em rất dịu dàng, hiền hậu), chỉ vì bực tức nhau điều gì đó cũng sẵn sàng “nhảy xổ” vào túm tóc, chửi bới, miệt thị nhau trước mặt con trẻ.

Đồng tiền đã phần nào chi phối, làm mất dần tình làng nghĩa xóm. Đất đai bây giờ là “tấc đất tấc vàng” nên ngươì lớn rất dễ tranh giành nhau, thậm chí “từ” nhau chỉ vì mấy chục phân đất. Nạn chơi trò chơi dự đoán, số đề ít nhưng không phải là hiếm. Ngay cả xem bóng đá, thể thao, nạn bạo lực sân cỏ vẫn ngày ngày hiển hiện. Mấy năm gần đây, phong trào xây dựng làng văn hoá, khu dân cư văn hoá nở rộ đã phần nào khắc phục được các tệ nạn. Nhưng sự thật, có những thôn xóm vẫn có nhiều hành vi thiếu văn hoá: Con cái thua bạc, lô tô về vác dao chửi bố mẹ, hành hung người khác vẫn còn. Cờ bạc đến cầm cố tài sản, sổ đỏ cũng đã xảy ra ở một số nơi. Rồi đánh ghen, chửi nhau, xúc phạm… hàng ngày không phải là không có. Những hiện tượng các em ngày ngày chứng kiến ấy, khác xa với những gì người lớn nói và dạy cho các em. Hoá ra người lớn “nói một đằng, làm một nẻo” khiến các em mất lòng tin. Khi xem phim ảnh, các hình ảnh bạo lực đấm đá vẫn còn nhiều, thậm chí các băng nhóm xã hội đen thanh toán nhau đều được phim ảnh giới thiệu rất tỉ mỉ. Kể cả các kế hoạch thanh toán nhau ra sao, cách thức tiến hành thanh trừng nhau thế nào thì các em đều chứng kiến.

3. Trong nhà trường

Nhà trường là cái nôi giáo dục an toàn nhất thì bây giờ cũng không còn được như trước nữa. Ngành giáo dục có chủ trương xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhưng do nhiều nguyên nhân nên có nhiều nơi vẫn chưa làm tốt. Hình ảnh người thầy vốn dĩ rất đẹp trong mắt các em, thì bây giờ đây có đôi lúc chưa thật sự là tấm gương sáng cho trò. Có thể do cuộc sống mưu sinh, thầy cô cũng là con người, cũng có những va chạm xã hội đời thường như mọi người khác, các em vô tình chứng kiến, lâu dần nó làm mờ đi phần nào hình ảnh đẹp về người thầy cuả các em.

Tâm sự người thầy về nạn bạo lực học đường.

Nhà trường là cái nôi giáo dục an toàn nhất thì bây giờ cũng không còn được như trước nữa.

Lượng kiến thức truyền thụ trong trường quá tải, vì thế các thầy cô phải dành quá nhiều thời gian cho việc dạy chữ dẫn đến việc dạy người chưa được sâu, sát sao thường xuyên. Một số nơi còn tập trung vào các mũi nhọn, chú trọng các môn học “chính” mà coi nhẹ các môn giáo dục tâm hồn và phát triển năng khiếu như GDCD, nhạc, hoạ… Các em bị áp lực nhiều từ các môn học toán, văn, ngoại ngữ dẫn đến đầu óc thiếu đi sự thư giãn cần có. Bố mẹ lại luôn kỳ vọng quá nhiều ở con mình dẫn đến áp lực bài vở còn đè nặng lên con.

Mặt khác, hoạt động ngoại khoá chưa được chú trọng. Mỗi giáo viên phụ trách phong trào được trừ tối đa là 2 tiết / tuần (nhạc, hoạ, thể dục) là quá ít so với việc phải gánh một phong trào lớn cuả nhà trường. Vì thế, sự tâm huyết cũng phần nào giảm đi. Trang thiết bị phục vụ cho hoạt động ngoài giờ lên lớp còn ít, giáo viên chuyên trách về hoạt động ngoài giờ lên lớp chưa có, chủ yếu là do TPT Đội kiêm nhiệm. Vì thế, những hoạt động này còn bị xem nhẹ, học sinh đến trường tiếp thu kiến thức nặng nề, dễ sinh cáu gắt mỗi khi có những áp lực khác, dẫn đến những hành động “thừa” không cần thiết. Có những em chưa tìm được chỗ tin cậy để gửi gắm tâm sự nên đã “tự xử’ theo “luật rừng”. Có nhiều sự việc khi đã xảy ra, nhà trường và gia đình mới biết và can thiệp thì không kịp.

Ngoài ra, việc thực hiện “dân chủ quá chớn” của một số phụ huynh học sinh ở nông thôn cá biệt vẫn còn. Có những phụ huynh xông vào tận lớp, đánh chửi những học trò khác chỉ vì tội đã trêu con mình mà chưa cần hỏi nguyên nhân, hoặc không cần biết có thầy cô trong lớp, chẳng cần đến sự can thiệp của nhà trường, cuả hội cha mẹ học sinh. Một số phụ huynh còn chưa kết hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, còn có tư tưởng phó mặc “trăm sự nhờ thầy” – theo đúng nghĩa đen. Có những phụ huynh bênh con, vì thành tích “ảo” cuả con mà đến chất vấn thầy cô tại sao lại cho điểm con ở mức ấy, mà có biết đâu trong giáo dục có nhiều cách để giúp học trò nên người. (Có những khi bài không đáng được vậy, nhưng vì em học trò đó thể hiện sự tiến bộ, nên thầy cô đã động viên, cũng có khi học trò giỏi, nhưng do chủ quan nên thầy cô đã “hạ”để em đó cố gắng).

Giải pháp cụ thể:

Với thực trạng bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng ở mức độ báo động, nhưng không phải là không có cách giải quyết. Kết hợp chặt chẽ 3 môi trường giáo dục trên là một điều rất tốt, nhưng không phải nơi nào cũng nhận được sự phối hợp chặt chẽ ấy một cách đồng bộ. Vì vậy, nhà trường cần coi mình là chủ yếu để tìm ra một số biện pháp làm giảm thiểu nạn bạo lực học đường diễn ra trong cơ sở giáo dục cuả mình.

Trước hết, thầy cô phải là người gương mẫu, nêu gương sáng cho học trò ở mọi nơi mọi lúc. Phải tự xác định được khi đã chọn nghề sư phạm là dạy người, nên đôi lúc cần sự kiềm chế ở các chỗ đông người. Các hành vi ứng xử cũng cần chuẩn mực hơn những người khác để phụ huynh và học sinh noi theo.

Tôi đã chứng kiến một đám tang đi trên đường. Lúc ấy đang giờ đi làm buổi sáng. Rất nhiều người vẫn phóng xe máy đi qua, khăn mũ sùm sụp, (thậm chí có người còn bóp còi inh ỏi). Nhưng có một người xuống xe, tắt máy, bỏ khẩu trang và mũ ra rồi dắt bộ đi qua đám tang, sau đó mới lên xe đi tiếp. Đắng sau xe là một chiếc cặp sách. Mọi người trong đám tang đều tròn mắt ngạc nhiên và sau đó hiểu ra đó là hành vi lịch sự tối thiểu thì đồng lòng tán thưởng. Ngưòi vừa thực hiện hành vi đẹp ấy là một thầy giáo trường làng. Vậy chúng ta hãy nêu gương trong cách ứng xử hàng ngày để học trò thấy được chuẩn mực của người thầy khác với người khác trong xã hội. Và những điều thầy nói đi đôi với việc thầy làm. Nếu có va chạm nhẹ ngoài đời thường cũng nên hết sức tránh, nhất là đối xử ở gia đình, khu dân cư… làm sao để hình ảnh người thầy luôn mẫu mực trong mắt các em.

Khi dạy trên lớp, ngoài việc truyền thụ kiến thức cơ bản cuả bài học, cần minh hoạ bằng những tấm gương cụ thể quanh học trò (ở trường, ở lớp, ở địa phương), hạn chế dẫn giải những tấm gương chỉ có trong sách vở mà các em không được chứng kiến. Mặt khác, trong các giờ thể dục, ngoại khoá, hoạt động ngoài giờ lên lớp… nên đưa trò chơi dân gian vào các trường học. Vì các trò chơi dân gian này thường là những trò hết sức lành mạnh, đoàn kết tập thể, gắn bó với thiên nhiên hoa lá cỏ cây, tạo sự hòa đồng cho các em trong hoạt động tập thể.

Hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn. Nhà trường cần cử ra một cán bộ chuyên trách về hoạt động này, thay vì giao kiêm nhiệm cho các TPT Đội như hiện nay. Cùng với hoạt động ngoài giờ lên lớp, cần có một số cuộc nói chuyện chuyên đề về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Việc giáo dục kỹ năng sống cho các em giúp các em định hướng được những hành vi chuẩn, xử lý các tình huống gặp phải trong cuộc sống một cách tự lập, có tình người, tránh bạo lực, đao to búa lớn.

Thầy cô nên đối xử với các em như những người bạn, xử lý tế nhị, nhân hậu khi học trò mắc lỗi, để các em thấy được lòng nhân hậu ấy là liều thuốc quý cho tâm hồn. Ngoài việc dạy các môn tự nhiên, việc dạy tự chọn cần chú ý đến các môn xã hội, đặc bịêt là lịch sử, GDCD, mở các câu lạc bộ tự chọn như nhạc, hoạ, thể thao. Qua đó học trò gắn bó đoàn kết hơn. Khi dạy sử cần chú trọng kiến thức sử địa phương, vì qua đó các em thêm tự hào với những truyền thống cuả quê hương mình, mà phấn đấu rèn luyện sao cho xứng với những gì cha ông đã xây dựng.

Việc giáo dục này cũng cần sự phối hợp chặt chẽ cuả hội phụ huynh học sinh khi các em ở nhà, hết sức tránh những gì va chạm không cần thiết gây rạn nứt tình cảm của cha mẹ, cuả người lớn quanh môi trường giáo dục. Các địa phương nên quan tâm đến môi trường giáo dục quanh nhà trừơng, hạn chế những sự xuất hiện cuả thanh thiếu niên hư. Người lớn cần ứng xử sao cho có văn hoá để các em trông vào mà làm gương, làm sao tạo được không khí thuận hoà trong gia đình, yên ổn ngoài xã hội. Các bậc cha mẹ hãy bớt thời gian đưa các em đi thăm bảo tàng, tham gia các trò chơi dân gian, xem biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian như rối nước, đánh đu. Rất mừng là một số địa phương – đặc biệt nông thôn – vẫn giữ được các phong tục cổ truyền ngày Tết như đánh đu, ném còn, và các trò chơi dân gian khác. Những trò chơi này đã hàn gắn những vết rạn trong tâm hồn các em, giúp các em thêm yêu những giá trị đạo lý truyền thống dân tộc hơn.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là khẩu hiệu mà cả nhân loại đang thực hiện. Muốn vậy, chúng ta hãy tạo cho các em một môi trường phát triển lành mạnh, yên ổn. Mỗi bậc cha mẹ hãy là những người bạn, lắng nghe các em nói để chỉ bảo tận tình. Mỗi thầy cô hãy như một bậc cha mẹ, dạy dỗ và làm gương cho các em ở mọi nơi, mọi lúc. Mỗi cấp, mỗi ngành hãy chung tay góp sức cùng ngành giáo dục tạo được môi trường lành mạnh, không có bạo lực, để những “búp trên cành” ấy được phát triển tốt ở vườn ươm trong lành, không có “độc hại”. Bạo lực học đường đang là mối quan tâm cuả nhiều người trong xã hội, và được coi là vấn nạn, nhưng vẫn có thể phòng và tránh nếu chúng ta cùng chung tay góp sức, để “dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mà mình đang có” như khẩu hiệu hàng ngày ta vẫn tâm niệm./.

About the Author