Người thầy đã dạy chúng tôi một bài học thực tế mà sâu sắc: sự giận dữ một ai đó cũng như gánh nặng của túi khoai tây mà mỗi người phải luôn mang bên mình, cuối cùng sẽ trở thành một thứ chất không thể nào chấp nhận được.
Một lần, thầy giáo yêu cầu mỗi chúng tôi mang túi nilông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Sau đó, thầy bảo cứ hễ chúng tôi không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên người đó và ngày tháng lên rồi bỏ nó vào túi nilông. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng.
Sau đó, thầy lại yêu cầu chúng tôi phải luôn mang cái túi theo bên mình dù đi bất cứ đâu, tối ngủ phải để túi bên cạnh, học tập thì đặt trên bàn. Sự phiền phức khi phải mang vác cái túi khiến chúng tôi cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng. Không những thế, chúng tôi còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào. Qua thời gian, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa và chúng tôi không muốn mang nó trong người nữa.
Người thầy đã dạy chúng tôi một bài học thực tế mà sâu sắc: sự giận dữ một ai đó cũng như gánh nặng của túi khoai tây mà mỗi người phải luôn mang bên mình, cuối cùng sẽ trở thành một thứ chất không thể nào chấp nhận được. Nó làm cho chúng ta mất thời gian suy nghĩ; để tâm; nhiều khi lại làm cho người khác bực dọc nữa… Khi để sự phẫn nộ bủa vây tâm trí, ta sẽ không còn đủ tỉnh táo để ứng xử một cách đúng mực, và đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự đổ vỡ của nhiều mối quan hệ. Ngược lại, nếu biết tha thứ, bỏ qua lầm lỗi và thiếu sót, ta sẽ giải thoát mình khỏi vòng luẩn quẩn của sự tổn thương để thanh thản tiến về phía trước.
Bởi vậy, trong thâm tâm chúng ta thường cho rằng tha thứ là một “ân huệ” đối với người được tha thứ, nhưng bạn thấy đấy, đây rõ ràng là món quà cho chính chúng ta. Vứt bỏ đi sự thù hằn, cảm giác vướng víu khó chịu sẽ không còn có thể làm kiềm hãm sự suy nghĩ và sự thăng tiến của mỗi người.
Tuy nhiên, nói khi nào cũng thật dễ…còn làm lại là một vấn đề khác…
Người ta không thể tha thứ cho người khác trong một sớm một chiều; cũng không thể tha thứ chỉ bởi vì đó là một việc nên làm. Tha thứ cũng không có nghĩa là ta phải miễn cưỡng gần gũi những người mà ta cần giữ khoảng cách, hoặc quay về quá khứ để sửa đổi lỗi lầm. Đơn giản, tha thứ là sẵn sàng sống với thực tại mà không đay nghiến hay phán xét những sai lầm đã qua. Trước khi tha thứ, hãy dành thời gian để cảm nhận và thấu hiểu cặn kẽ tất cả những khúc mắc trong lòng và để tâm hồn tự tháo bỏ những rào cản đó. Khi thực tâm tha thứ cho người khác, tâm hồn ta sẽ được giải phóng, trí óc ta sẽ không còn vướng bận nỗi đau quá khứ. Tất cả sẽ được bỏ lại sau lưng.
Sự tha thứ cũng không thể được áp dụng quá dễ dàng. Nếu một hành động sai trái cứ lặp đi lặp lại nhiều lần và có những người dù biết việc mình làm là sai, là trái đạo nghĩa nhưng không chịu từ bỏ mà vẫn nhận được sự tha thứ hết lần này tới lần khác thì rất có thể cái hành động ”mở lòng” đó vô tình sẽ làm cho kẻ xấu thêm tác quái và người có lòng tha thứ trở thành người nhu nhược và dễ bị xúc phạm.
Tha thứ vì thế không phải chuyện muốn là được, nói “bỏ qua” là xong. Chúng ta sẽ phải mất thời gian để học ”mở lòng” đúng nghĩa và đúng cách, cũng như có thể tìm được sự công bằng và giải thoát cho chính bản thân mình, khiến cuộc sống này trở nên vui vẻ hơn .